UBND xã Khánh Sơn khoán thầu cho một hộ dân để khai thác, kinh doanh tài nguyên nước trên hành lang Quốc lộ 15A. Ảnh: Điền Bắc. |
Thời gian qua, trên Quốc lộ 15A đoạn qua xã Khánh Sơn, Nam Đàn (Nghệ An) hình ảnh người dân dùng can nhựa xếp hàng, thậm chí xen lấn, xô đẩy... để lấy nước từ Khe Kẹp chảy ra đã không còn. Thay vào đó, tại vị trí này đã mọc lên một cơ sở khai thác, sản xuất và kinh doanh nguồn nước ngầm và cơ sở này được xã cho thuê.
Ông Lê Văn Xuân, người dân ở xã Khánh Sơn cho biết, vị trí mà cơ sở này lấy nước để kinh doanh, được người dân phát hiện có một dòng nước từ trên núi chảy ra. Nguồn nước chảy ra rất trong mát, không nhiễm phèn nên người dân thường đến đây lấy nước về sử dụng. “Cả xóm chỉ có mỗi khu vực này là nguồn nước trong mát, không nhiễm bẩn. Riêng mạch nước từ Khe Kẹp là trong nhất, nhưng hiện nay do nhiều người khoan chặn phía trên lấy nước, nên mạch nước có giảm. Và gần 10 năm nay, xã đã cho một đơn vị đấu thầu, nên người dân cũng không ra đó lấy nước như trước” - ông Xuân cho biết thêm.
Qua tìm hiểu, được biết, khu vực Khe Kẹp hiện đang nằm trong hành lang giao thông của Quốc lộ 15A (đoạn Km 347, thuộc xóm 11, xã Khánh Sơn) nhưng gần 10 năm qua, chính quyền xã này tự ý cho một hộ dân khoán thầu để làm điểm khai thác và kinh doanh tài nguyên nước một cách trái phép, việc này gây ảnh hưởng an toàn giao thông trên tuyến một cách nghiêm trọng. Cụ thể, tại vị trí này, ngay lề đường quốc lộ, một hệ thống nhà, lán trại và hệ thống trang thiết bị được lắp đặt để dùng khai thác tích trữ nước từ trong khu vực Khe Kẹp chảy ra. Hàng ngày, khách hàng tứ xứ đổ về đây để mua nước hầu hết đều dừng và đậu xe ngay ở lòng và lề đường của Quốc lộ 15A, gây mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ.
Do nhu cầu người dân sử dụng lớn, nên vài năm trở lại đây quanh khu vực này, không chỉ có vị trí Khe Kẹp hiện đang được xã cho thuê mà trong bán kính 200m, nhiều hộ dân, công ty thay nhau khoan nước để bán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Bá Thắng - Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, nơi phát hiện nguồn nước trong mát chính là điểm Khe Kẹp. Nhiều năm trước, khi nguồn nước sạch chưa phổ biển, người dân có thể đến đây lấy nước về để sinh hoạt. Tuy nhiên, không ít lần đã xảy ra tình trạng tranh giành nhau, gây mất an ninh trật tự, nên sau đó xã đã giao khoán cho một cá nhân sử dụng. Số tiền giao khoán theo hợp đồng từ 60-75 triệu đồng (tùy năm) và toàn bộ số tiền giao khoán người dân nộp lên, UBND xã đều nộp đầy đủ cho ngân sách huyện Nam Đàn hàng năm. “Vẫn biết rằng, vị trí xã giao thầu là hành lang an toàn, nhưng mục đích của xã để cho một hộ dân trúng thầu cũng chỉ nhằm đảm an ninh trật tự, vì số tiền đó xã cũng nộp vào ngân sách” - ông Thắng giải thích.
Khi được hỏi về việc, thời gian gần đây có nhiều hộ dân, đơn vị thuê đất của người dân để khai thác nguồn nước ngầm tại đây, liệu có đảm bảo đúng quy định? Ông Thắng cho biết, hiện theo hồ sơ lưu tại xã chỉ có Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện dự án “Nhà máy sản xuất nước uống đóng chai và chế biến trà sen”, còn lại đều có khai thác nước ngầm để kinh doanh nhưng xã chưa nắm được hồ sơ.
Được biết, theo Luật Tài nguyên nước quy định, thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp tỉnh... Do đó, việc UBND xã Khánh Sơn tổ chức đấu thầu cho người dân khai thác, kinh doanh nước ngầm cần được xem xét lại.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: daidoanket.vn