Chuyện đội bóng thua vẫn được thưởng có thể nói hiếm thấy trong bóng đá. Bởi tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 2-4 là cách biệt đậm nhất trong 17 năm qua giữa hai đội. Trước đó, 5 lần gặp Nhật Bản thì Việt Nam hòa 1 và thua 4 (cùng tỷ số 0-1), trận thua đậm nhất là 1-4 ở vòng bảng Asian Cup 2007. Tuyển Việt Nam cũng nhận thất bại cách biệt nhất khi đá trận ra quân ở Asian Cup, hai lần trước thì kết quả thắng UAE 2-0 và thua Iraq 2-3.
Khích lệ bằng tiền thưởng là chuyện không chỉ riêng bóng đá Việt Nam, Thái Lan và nhiều đội bóng khác vẫn làm. Tuy nhiên, chuyện thưởng sau một thất bại theo tư tưởng thua chấp nhận được dễ tạo ra tiền lệ tiêu cực. Bởi điều quan trọng trong bóng đá là tâm lý kẻ mạnh - yếu, nó có thể làm rào cản cho nhiều thế hệ cầu thủ của một nền bóng đá không thể vượt lên chính mình.
800 triệu là số tiền mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam thưởng cho tuyển Việt Nam sau trận thua Nhật Bản với tỷ số 2-4. Ảnh: VFF |
Hãy lấy Thái Lan làm ví dụ. Việt Nam từng có thời điểm toàn thua Thái Lan, nỗi ám ảnh chỉ được xóa bỏ phần nào bằng các trận thắng của U23 thời HLV Park Hang Seo. Bóng đá trẻ Thái Lan đã có 7 năm chưa biết thắng Việt Nam. Nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ Thái Lan.
Câu chuyện tuyển Việt Nam thua vẫn được thưởng to, rõ ràng có thể tạo ra hệ tư tưởng và tâm lý chung cho thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam. Đó là tâm lý thua cuộc khi đá với các đội như Nhật Bản, Iran, Úc, Saudi Arabia, bởi thua cách biệt 2 bàn còn được thưởng thì thất bại đậm cũng bình thường.
Bóng đá Việt Nam đang nói về World Cup, Olympic thì một trong những điều cần cải thiện phải là tâm lý thua cuộc. Chúng ta không thể nào duy trì sự hài lòng, chấp nhận được sau một trận thua trước mọi đối thủ ở châu Á. Vì hài lòng có nghĩa mọi thứ đã tốt, không cần thay đổi, hoặc chậm cải thiện các vấn đề tồn tại.
Chỉ khi nào biết buồn và cảm thấy thất vọng khi chưa thể thắng được Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam mới có thể đến gần giấc mơ World Cup.
Tác giả: Văn Nhân
Nguồn tin: saostar.vn