Trong vai người có nhu cầu mua đất để xây dựng khu lăng mộ riêng của dòng họ, phóng viên Truyền hình Quốc hội được bà Thu ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê dẫn đi xem đất. Bà Thu cho biết, khu đất của gia đình bà nằm ở quả đồi cạnh nghĩa trang, trước đây trồng cây keo, nhưng giờ đã chặt, ai có nhu cầu mua thì bán để lấy tiền chữa bệnh cho chồng.
Không chỉ có bà Thu, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Gia Phố thời gian qua cũng đã chặt phá rừng trồng được giao, xây tường bao làm khu lăng mộ của gia đình, thậm chí có hộ mở rộng diện tích để bán cho những người có nhu cầu.
Tại khu vực đồi Cha Êm, xã Hà Linh thuộc quyền quản lý của Công ty cao su Hương Khê cũng diễn ra tương tự. Khi biết xã Hà Linh quy hoạch khu vực này làm nghĩa trang, nhiều gia đình, dòng họ đã tự ý chặt phá cây keo, san đồi xây dựng nghĩa trang cho riêng mình với diện tích rộng hàng nghìn mét vuông.
Ông Nguyễn Quốc Sự định cư ở Thôn 5 xã Hà Linh từ những năm 70 cho biết, đồi Cha Êm thuộc cơ quan lâm nghiệp trồng rừng của huyện Hương Khê trước đây, nay là công ty cao su Hà Tĩnh. Tình trạng lấn chiếm đất trồng keo để xây dựng lăng mộ, nghĩa trang đã diễn ra từ lâu, theo kiểu mạnh ai nấy làm, người nhanh tay thì chiếm được nhiều, người chậm thì bao chiếm được ít. Cũng vì điều này mà xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất làm nghĩa trang.
Tình trạng người sống lo lắng các phần việc hậu sự theo cách chiếm dụng, mua bán đất nghĩa trang ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang kéo theo nhiều hệ lụy. Đó không chỉ là phá vỡ quy hoạch, xâm hại nguồn lợi tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hình thành nhóm lợi ích, mà trên hết còn là sự thách thức quy định của pháp luật.
Nguyên nhân do đâu người dân ở một số xã của huyện Hương Khê tùy tiện mở rộng nghĩa trang, thậm chí ngang nhiên cắt rừng sản xuất bán làm nghĩa trang trong thời gian dài? chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý, ngăn chặn hay không? nội dung này chúng tôi tiếp tục đề cập trong chương trình sau.
Tác giả: Quốc Hưng - Như Huỳnh
Nguồn tin: quochoitv.vn